1. Tăng huyết áp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Theo thống kê hiện nay trên thế giới có đến 1,13 tỷ người có tăng huyết áp, con số này được dự đoán lên đến 1,56 tỷ người vào năm 2025.
Bệnh thường diễn tiến âm thầm và gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại gánh nặng tàn phế.
Người bệnh tăng huyết áp có thể gặp các triệu chứng như người cảm thấy khó chịu, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt nhức bả vai, tê mỏi… Khi có các triệu chứng này người bệnh cần gọi điện ngay cho bác sĩ điều trị để được tư vấn và xử trí phù hợp.
2. Các huyệt vị hỗ trợ điều trị tăng huyết áp
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, xoa bóp bấm huyệt làm dịu nhẹ các cơn đau đầu, hoa mắt chóng mặt, đồng thời có thể điều tiết huyết áp.
Một số huyệt có tác dụng hạ huyết áp, cải thiện và hỗ trợ điều trị tăng huyết áp tại nhà:
2.1. Huyệt bách hội
- Vị trí huyệt: Nằm giữa đỉnh đầu ngay tại giao điểm của đường thẳng nối hai đỉnh vành tai và đường thẳng giữa hai lông mày ra sau gáy.
- Tác dụng: Giảm đau đầu, hạ áp, giáng hỏa.
2.2. Huyệt thiên đỉnh
- Vị trí huyệt: Huyệt đối xứng hai bên và nằm thấp hơn yết hầu một đốt ngón tay sát sau cơ cổ. Nơi gặp nhau của bờ sau bó đòn cơ ức - đòn chũm và đường ngang qua giữa cổ, cách tuyến giáp 3 thốn (thốn là chiều dài đốt giữa ngón tay giữa, khoảng 2,11cm).
- Tác dụng: Là huyệt đạo chủ yếu điều tiết tuần hoàn khí huyết, tiêu trừ chứng nhức mỏi vùng cổ, bả vai.
2.3. Huyệt thận du
Vị trí huyệt thận du
- Vị trí huyệt: Nằm ngay bờ ngoài cơ thẳng lung ngang khe đốt L2-3 đo ra 2 bên 1,5 thốn.
- Tác dụng : Tiêu trừ chứng đau nhức vùng lưng và eo, bổ thận âm để giáng áp, hạ hỏa.
2.4. Huyệt dũng tuyền
Huyệt dũng tuyền
- Vị trí huyệt: Nằm trong lòng bàn chân, ngay chỗ lõm phía dưới khối cơ gan chân trong, trên đường thẳng nối ngón cái gót chân, cách đầu ngón chân cái chừng 1/3 chiều dài bàn chân.
- Tác dụng: Có tác dụng làm giảm tình trạng tăng huyết áp.
2. 5. Huyệt nội đình
Huyệt nội đình
- Vị trí: Nơi nối đầu thân đốt ngón 2 và 3, cơ duỗi dài và cơ duỗi ngắn ngón chân, cơ gian cốt mu chân.
- Tác dụng: Hạ áp, chữa đau đầu do mọi nguyên nhân.
2. 6. Huyệt hành gian
Huyệt hành gian
- Vị trí huyệt: Trên khe bàn ngón 1-2 kẽ chân đo lên 1 thốn.
- Tác dụng: Là huyệt hành hỏa của can kinh, có tác dụng trừ hỏa hạ áp, hạ huyết áp tức thì, chữa đau đầu, mắt đỏ, hạ nhiệt do sốt xuất huyết…
3.Cách bấm huyệt
Dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ ấn một lực vào vị trí huyệt cho đến khi cảm thấy căng tức nhẹ là được.
Hằng ngày nên bấm một vài lần, mỗi lần kéo dài 1-2 phút.
Ngoài ra, cần kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Các bệnh nhân tăng huyết áp nên tuân thủ việc uống thuốc duy trì hằng ngày, có lối sống chuẩn mực, hạn chế các cơn tăng huyết áp đột ngột dễ gây tai biến mạch não, có thể dẫn đến tử vong.
Nguyễn Văn Hanh
Sức khỏe đời sống